Thứ Năm, 24 tháng 4, 2014

Kem chống nắng | P2: Những lưu ý khi sử dụng kem chống nắng

Tiếp theo bài viết dài dòng nhàm chán của P1: "Các khái niệm liên quan đến kem chống nắng", mình lại hì hục cho ra tiếp P2 cũng không kém phần nhàm chán với nội dung: "Những lưu ý khi sử dụng kem chống nắng". Ở phần 2 này mình sẽ tổng hợp một số thắc mắc liên quan đến kem chống nắng cũng như cách sử dụng kem chống nắng và sẽ có câu giải đáp ngắn gọn và súc tích nhất để giảm bớt sự chán chường của tác giả là mình cũng như độc giả là các bạn =))

Ok, let's go!

1. Tại sao phải sử dụng kem chống nắng?
Như những gì mình đã phân tích ở phần 1, thứ nhất trong ánh nắng mặt trời có cả tia UVB (gây bỏng rát và đen sạm da), tia UVA (gây lão hóa da, là nguyên nhân của nám và vết nhăn sớm trên da) và tia UVC (gây ung thư da), cả ba yếu tố đều tác động tiêu cực đến làn da của chúng ta. Thứ hai là ở một đất nước mà hầu như quanh năm chúng ta đều tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, việc bảo vệ da là thực sự QUAN TRỌNG, chưa kể đến các vấn đề về thẩm mỹ, việc da tiếp xúc trực tiếp và liên tục với ánh nắng mặt trời là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các bệnh về da, đặc biệt là ung thư da (Xem tác hại của ánh nắng mặt trời lên da tại đây). Thứ ba, nếu chỉ nghĩ mang khẩu trang, kính mát và che chắn bằng áo khoác khi đi dưới nắng là đủ thì hoàn toàn sai lầm. Thực tế một chiếc áo khoác vải màu trắng chỉ có chỉ số chống nắng SPF5 mà thôi. Vậy thì tại sao chúng ta lại không tạo ra thói quen sử dụng kcn hằng ngày để bảo vệ làn da nhỉ? :(

2. Có cần thiết sử dụng kem chống nắng vào ngày trời râm mát?
Thực tế là ngay cả khi trời râm mát hay thậm chí chúng ta chỉ quẩn quanh trong nhà thì tia UVA từ ánh nắng mặt trời cũng đã đủ sức tàn phá da của chúng ta vì kính xe, kính cửa không thể chặn được tia UVA- nguyên nhân của nám da, sạm da và lão hóa sớm. Thậm chí khi chúng ta đang trong bóng râm thì tia UV vẫn có thể chiếu xuống mặt đất, nước... rồi phần lớn sẽ được phản xạ lên da chúng ta như thường, đó là thứ mà chúng ta vẫn thường gọi là "hanh nắng" :)

3. Dùng kem chống nắng khi nào?
Đáng buồn phải trả lời rằng chúng ta nên dùng kem chống nắng bất kể khi nào nhìn thấy một chút ánh sáng le lói =)) Điều đó có nghĩa là ngay cả khi cả ngày không ra khỏi nhà chúng ta cũng nên sử dụng kem chống nắng. Hay nói đúng hơn, chúng ta hãy sử dụng kem chống nắng như một bước bảo vệ da HẰNG NGÀY nhé!

4. Dùng kem chống nắng như thế nào?


- Thứ nhất: Hằng ngày, vào mỗi buổi sáng, sau bước dưỡng da, trước lớp makeup (nếu có).

- Thứ hai: Trước khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời 20-30 phút vì kem chống nắng chỉ phát huy tác dụng ít nhất là 15 phút sau khi thoa.

- Thứ ba: Nếu công việc của bạn phải tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hoặc phòng làm việc/ học tập của bạn có cửa kính thì nên re-apply kem chống nắng sau mỗi 2 tiếng sử dụng. Còn lại thì ít nhất bạn phải re-apply lại vào buổi trưa. Vì cho dù đa số các loại kem chống nắng quảng cáo có thể bảo vệ cả ngày nhưng ĐỪNG TIN. Bởi vì nhiều yếu tố như mồ hôi, va chạm, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời mà kcn sẽ giảm dần tác dụng.

5. Chọn chỉ số chống nắng thích hợp như thế nào?
Thực tế là không phải kem chống nắng chỉ số SPF càng cao thì sẽ càng tốt. Tất nhiên với chỉ số SPF càng cao, lượng hóa chất trong kcn sẽ càng nhiều, dễ dẫn đến các vấn đề về khô da, kích ứng và nhạy cảm. Chỉ số SPF lý tưởng sử dụng hằng ngày trong sách vở ghi là SPF15-20, tuy nhiên theo mình nghĩ với mức độ nắng như ở nước ta hiện tại thì lý tưởng nhất là kem chống nắng phải có chỉ số SPF30.

6. Vùng da nào cần phải bôi kem chống nắng?
Không chỉ những vùng da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời (mặt, cổ, tay chân) mới phải sử dụng kem chống nắng mà bạn còn phải bôi kcn ở những vùng như tai, ngực, lưng...Đặc biệt việc chống nắng cũng nên được thực hiện với tóc, mắt và môi bằng cách sử dụng xịt tóc chống tia UV (nếu muốn đầu tư, không thì ít nhất cũng nên cho đuôi tóc vào áo khoác, không để tóc tiếp xúc trực tiếp với nắng), kính mát và dưỡng môi có chỉ số SPF ít nhất là 15 :)

7. Tại sao dùng kem chống nắng mà vẫn bị đen da?
Thực tế là chỉ có các loại kcn ghi chống lại tia UVA thì mới có tác dụng bảo vệ da khỏi bị sạm đen. Tuy nhiên vì nhiều lý do, vì apply chưa đủ, vì không re-apply, vì thành phần chống nắng không bền dưới môi trường nên dẫn đến ảnh hưởng đến hiệu quả bảo vệ của kcn, và vì vậy da chúng ta vẫn bị đen như thường.

8. Dùng kem chống nắng thường xuyên có tác dụng phụ gì không?
Tác dụng phụ phổ biến nhất khi dùng kem chống nắng là viêm da tiếp xúc (hoạt chất avobenzone).
Một điều đáng lưu ý hơn là nếu đã bôi kem chống nắng và để quá lâu trên da nhưng không re-apply lại thì một sự thật phũ phàng xảy ra. Đó là ban đầu khi bôi kcn, tia cực tím sẽ bị giảm tác động khi tiếp xúc với da, tuy nhiên càng về sau tác động của tia cực tím sẽ bị gia tăng nếu kcn ở trên da quá lâu và không được thoa lại, tức là tác động lên da của ánh mặt trời sẽ xấu hơn so với da không bôi kem chống nắng :((

9. Bôi kem chống nắng như thế nào thì gọi là đủ?
Lại thêm một thực tế đáng buồn nữa là nếu kcn không được thoa đủ thì sẽ có tác dụng ngược lại. Tức là không những không bảo vệ được da mà những thành phần trong kcn sẽ quay ra gây hại cho da :((
Thông thường khi thoa kcn (ngoại trừ mặt), chúng ta sẽ lấy tuýp kem chống nắng, chấm chấm chấm trực tiếp lên vùng da cần thoa rồi mới lấy tay tán rộng ra. Tuy nhiên, việc bôi kcn khoa học hơn và chính xác hơn sẽ được thực hiện như sau (giật mình thật)
- Cách 1: Chia cơ thể ra thành từng phần như sau, và mỗi phần sẽ tương ứng với 1 hay 2 muỗng cà phê kem chống nắng =)))


 Và đây là kiểu cái muỗng cà phê người ta sử dụng <3


-Cách 2: Các bạn có thấy cách định lượng bằng muỗng cà phê nó lích kích không? Liệu các bạn đã ngắm chừng như vậy là đủ một muỗng cà phê? Hay là sẽ lại phải hy sinh một cái muỗng cà phê thật và phải luôn cột theo cái muỗng vô tuýp chống nắng =)) Và cách thông thường mình sử dụng là thế này: nếu chia cơ thể ra thành 11 phần theo hình vẽ thì mỗi phần mình sẽ sử dụng 1 "ngón tay giữa" kem chống nắng (trong hình để 1 hoặc 2, nhưng hình như 2 ngón thì hơi bị nhiều quá):

10. Sẽ được phơi da trần dưới nắng khi đã apply kem chống nắng một cách đúng đắn rồi?
NO. Cho dù đã apply kem chống nắng một cách bài bản đúng đắn thì chúng ta cũng không nên để da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời (không kể lúc đi biển). Đương nhiên việc trang bị khẩu trang, kính mát, áo khoác, găng tay là cần thiết :)

11. Nếu kem dưỡng ban ngày đã có chỉ số chống nắng thì có nhất thiết dùng kem chống nắng không?
Thực tế là các hoạt chất dưỡng da có trong kem đã phần nào làm giảm tác dụng của các hoạt chất chống nắng. Thế nên cho dù kem dưỡng da có thêm chỉ số SPF30 đi nữa cũng đừng nên tin vì khả năng bảo vệ dưới nắng của nó thấp hơn như vậy nhiều. Và cách kết hợp sử dụng đơn giản là dưỡng da --> kcn

12. Có được sử dụng cùng một loại kem chống nắng cho cả mặt và body?
Trừ những sản phẩm có ghi chú là dùng được cho cả mặt và body, còn lại thì các bạn nên phân chia 2 loại dành cho mặt và body để sử dụng nhé, vì nếu dùng loại kcn cho body lên phần mặt vốn nhạy cảm và mỏng manh hơn sẽ dễ gây kích ứng và sinh mụn...

13. Chọn các dạng kem chống nắng như thế nào?
Kem chống nắng được bày bán trên thị trường dưới khá nhiều hình thức. Mình có tham khảo một số thông tin và muốn chia sẻ với các bạn như sau (chứ mình thì chỉ phân ra kcn dành cho mặt và dành cho body): Dạng sáp dùng cho những vùng da nhạy cảm như mí mắt, dạng gel thích hợp cho vùng da nhiều lông, trẻ em nên dùng dạng xịt và những vùng da nhờn, dầu mụn thì nên dùng dạng nước.

14. Lưu ý:
Điều cuối cùng trong phần này không phải là một câu hỏi mà là một lưu ý khá quan trọng. Cho dù cả ngày chúng ta chỉ sử dụng kcn mà không hề trang điểm thì cũng nên nhớ kcn cuối cùng cũng chỉ là hóa chất, việc bưng một gương mặt còn nguyên các hóa chất đi ngủ cũng là một việc hết sức tối kỵ. Thế nên song song với việc tậu một tuýp kem chống nắng ưng ý, chúng ta cũng nên tìm một sản phẩm tẩy trang dịu nhẹ, dùng hằng ngày trước bước sữa rửa mặt để có thể tẩy sạch lớp kem chống nắng và bụi bẩn còn đọng lại sau một ngày dài cũng như chuỗi ngày dài liên tiếp để không khiến cho kem chống nắng trở thành vật phản chủ, gây bí và sinh mụn cho da nhé!

Xem thêm về các bài viết trong series kem chống nắng: P1. Tìm hiểu các khái niệm liên quan đến kem chống nắng

0 nhận xét:

Đăng nhận xét