Chủ Nhật, 13 tháng 4, 2014

Kem chống nắng | P1. Tìm hiểu các khái niệm liên quan đến kem chống nắng

Chào các bạn! Tuần này vì lo ăn chơi nhân dịp giỗ tổ với cả cũng đang bí chủ đề nên đến hôm nay mới lại cho ra bài mới. Chủ yếu vì mình phải thu thập, lọc lại và tổng hợp các thông tin để có một bài viết đầy đủ nhất (theo mình) để không phụ lòng các bạn :)
Sau chuyến đi biển nhân dịp giỗ Tổ vừa rồi, mình chợt nhớ ra có một vấn đề chúng ta sẽ phải luôn lưu ý và xem trọng nếu thực sự quan tâm đến da dẻ bản thân, đó là kem chống nắng. Sẽ không ngoa nếu nói một người có thể giản lược tất cả các bước chăm sóc da, chỉ cần nhớ làm sạch da mỗi tối và chống nắng bảo vệ da ban ngày là da dẻ chúng ta đã đủ đẹp. Thế nên nhân đây, mình mạo muội viết thêm một series riêng về kem chống nắng để dành cho những ai chưa nắm có thể thực sự biết được tầm quan trọng của kem chống nắng và những ai đã biết sơ sơ về nó (như mình) có thể hiểu sâu hơn cũng như tự nhắc nhở bản thân phải luôn xem trọng việc sử dụng kem chống nắng như là một sản phẩm bắt buộc phải có trong giỏ xách cũng như bàn trang điểm của mình.
Ok, chúng ta sẽ bắt đầu phần 1 với nội dung "Tìm hiểu các khái niệm liên quan đến kem chống nắng"

1. Kem chống nắng là gì?
 Kem chống nắng (sunblock/ sunscreen) là một sản phẩm dùng cho da, có chứa các thành phần bảo vệ da khỏi các tia tử ngoại từ ánh nắng mặt trời.

2. Tia UV
Tia UV là viết tắt của ultraviolet radiation nghĩa là tia cực tím. Còn về tác hại của tia cực tím như thế nào, mời bạn xem dẫn chứng tại đây
Tia cực tím được cho là hoạt động mạnh nhất vào khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều, đây cũng là khoảng thời gian mà đa số các tài liệu về chăm sóc da khuyến cáo bạn nên hạn chế ra ngoài, tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.
Tia cực tím (UV) được chia ra làm 3 loại chính là UVA (untraviolet A), UVB (ultraviolet B) và UVC (ultraviolet C).
  a. Tia UVC: Là tia có khả năng gây ung thư da cao nhất nhưng ít được nhắc đến, thậm chí nhiều người còn không biết được sự có mặt của nó. Tuy nhiên may thay là hơn 95% tia UVC đã được hấp thụ và phản xạ lại bởi tầng ozone, không đi xuống được tới mặt đất nên không quá mức nguy hiểm cho chúng ta. Hiện tại đa số các loại kem chống nắng không có tác dụng chống tia UVC. Tuy nhiên, với tình hình ô nhiễm môi trường ngày càng đáng báo động như hiện nay, trong tương lai không xa, khả năng tia UVC sẽ trở nên "quen thuộc" hơn với chúng ta, dẫn đến nguy cơ ung thư da do tia UVC gây ra lớn hơn và các hãng sẽ phải tạo ra các sản phẩm có luôn cả tác dụng chống lại tia UVC, và tất nhiên là với mức giá chắc không rẻ như hiện nay.
 b. Tia UVB: Là tia gây ảnh hưởng trực tiếp và tức thì lên lớp biểu bì da (lớp da ngoài cùng), gây cháy nắng, sạm da, đen da và nguy hiểm hơn là ung thư da. Tia UVB có cường độ cao nhất là vào mùa hè, từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều. May thay tia UVB không xuyên qua được kính nên các bạn có thể yên tâm là khi ngồi trong nhà, trong xe chúng ta sẽ không chịu ảnh hưởng của tia UVB. Tuy nhiên, tia này lại có thể phản xạ qua kính và mặt nước, chính vì vậy khi tắm biển, tắm hồ xong và lên bờ ngồi trong mát, phản xạ của tia UVB từ nước biển, hồ vẫn có thể khiến da chúng ta cháy nắng và đen sạm.
  c. Tia UVA: Tia UVA chiếm 95% lượng tia cực tím chiếu xuống mặt đất từ 10h sáng đến 2h chiều và khoảng thời gian còn lại chiếm 99%. Tia UVA không gây cháy nắng, cũng không có tác động tức thời như UVB nhưng lại tác động lên lớp hạ bì, khiến da chúng ta bị lão hoá sớm, xuất hiện các vết nhăn và vết nám... và cũng là tác nhân trực tiếp gây ung thư da. Buồn thay, tia UVA lại xuyên qua được các lớp quần áo mỏng và thậm chí là cả cửa kính. Thế nên đừng nghĩ rằng ngoài kia trời nắng và chúng ta núp trong bóng râm, ra đường mặc nhiều lớp áo hay thậm chí ru rú trong nhà là sẽ được an toàn :( 
3. Chỉ số chống nắng
  a. Chỉ số SPF: SPF là viết tắt của sun protector factor, là chỉ số chống tia UVB. Có một quan niệm sai lầm rằng chỉ số SPF càng lớn thì kem chống nắng càng tốt. Thực tế là chỉ số chống nắng càng lớn thì thời gian chống nắng của kem sẽ càng lâu. 
SPF là tỉ lệ thời gian ở da người thoa kem chống nắng trước khi bị đỏ da so với người không được bôi kem chống nắng. Lấy ví dụ một người sau khi ra nắng 12 phút da sẽ bị đỏ, thì khi được bôi kem chống nắng có chỉ số SPF 10, da người đó sau 120 phút mới bị đỏ. Do vậy, chỉ số SPF không cho chúng ta cụ thể con số thời gian bao lâu da người sau khi apply có thể chịu đựng được vì còn tuỳ vào da mỗi người. Cùng một loại kem chống nắng với cùng chỉ số SPF nhưng đối với làn da sáng thì thời gian chống nắng của kem sẽ kém hơn một chút so với làn da tối màu hơn, điều này đồng nghĩa với việc người có làn da sáng sẽ phải re-apply kem chống nắng nhanh hơn người có làn da tối. Cụ thể sự liên quan giữa da bạn và thời gian chống nắng sẽ được biểu thị như sau:
SPF là chỉ số đo lường không hoàn hảo vì không đo được những tác hại lão hoá da và tổn thương da do tia UVA gây nên.
  b. Chỉ số PA: Protection Grade of UVA, là chỉ số chống tia UVA. Thông thường có 3 cấp độ lọc tia UVA của chỉ số PA:
- PA+ Lọc tia UVA 40-50%
- PA++ Lọc UVA cao 60-70%
- PA+++ Lọc UVA hoàn hảo 90%

  c. Ngoài ra còn có các chỉ số chống tia UVA như:
@ PPD (Persistant Pigment Darkening) là tỉ lệ thời gian ở da người khi thoa kem chống nắng trước khi bị sạm da, nâu da so với người không được bảo vệ bằng kem chống nắng. Lấy ví dụ sử dụng kem chống nắng có PPD 10, bạn có thể chịu được UVA lâu hơn 10 lần so với khi không sử dụng.

 @ Hệ thống đánh giá sao (Boot star rating system): Được xem như tiêu chuẩn đánh giá mức độ bảo vệ da trước UVA của các hãng UK. Hệ thống đánh giá sao được xây dựng dựa trên 2 test: đo lường khả năng của kem làm giảm xuyên thấu UVA, đo lường khả năng làm nâu da. Với:
         1 sao: tỉ lệ bảo vệ da kém
         5 sao: tỉ lệ bảo vệ da tốt

4. Kem chống nắng vật lý và kem chống nắng hoá học:
  a. Kem chống nắng vật lý (physical sunscreen): Cơ chế hoạt động của kem chống nắng vật lý là phản xạ và phân tán tia UV, tạo ra tấm màn ngăn cản giữa da và tia UV, từ đó hạn chế sự ảnh hưởng mà tia UV gây ra cho da.
Đặc điểm cho kem chống nắng vật lý là khi apply lên da sẽ cho cảm giác "mặt trắng chú hề" tức thời. Đối với nhiều người thích trắng thì đây có thể là ưu điểm, tuy nhiên khi lên ảnh thì trông hơi kinh vì nếu chụp flash mặt sẽ phản sáng trắng bềnh bệch như ma; tuy nhiên hiện nay với công nghệ nano, tạo ra những phân tử có kích thước nhỏ, kem chống nắng vật lý đã cải thiện hiệu quả về mặt thẩm mỹ. Một đặc điểm nữa ở kem chống nắng vật lý là chất kem khá đặc nên dễ gây cảm giác nặng mặt và bí da, sử dụng vào mùa hè hơi khó chịu. Kem chống nắng vật lý trơ, không bị biến đổi dưới tác động của ánh sáng, không gây viêm da tiếp xúc hay viêm da ánh sáng vì toàn bộ tia cực tím đã bị phản xạ và phân tán
Kem chống nắng vật lý có thành phần chính là Titanium Dioxide và Zinc Oxide. Cả hai chất đều có khả năng chống tia UVA lẫn UVB, tuy nhiên Zinc Oxide bảo vệ da trước UVA tốt hơn Titanium Dioxide và cũng đỡ cho da bị trắng bệch so với Titanium Dioxide.
  b. Kem chống nắng hoá học (chemical sunscreen): cơ chế hoạt động là hấp thụ tia cực tím bằng các hoạt chất hoá học (Oxygenzone, Avobenzone, Octyl Metjoxycinamate ...) và giải phóng tia cục tím ở dạng năng lượng thấp, làm giảm tác hại của tia cực tím đối với da mà vẫn bảo đảm da được cung cấp vitamin D. Tuy nhiên có nhiều tranh cãi về việc sử dụng lâu dài khi phần tia cực tím còn lại được hấp thụ và gây hại cho da, gây ra viêm da tiếp xúc và viêm da ánh sáng (tỉ lệ 0,1-2%). Hơn nữa, kem chống nắng hoá học có thành phần Avobenzone "không trơ", dễ bị biến đổi dưới tác động của ánh sáng và từ đó làm giảm hiệu quả chống nắng (Avobenzone khi hấp thụ tia UV sẽ chuyển thành phân tử, khả năng bảo vệ UVA giảm theo thời gian, xảy ra 60- 90' sau khi tiếp xúc ánh nắng).
5. Sunblock, sunscreen và kem chống nắng phổ rộng:
- Sunblock: được hiểu là kem chống nắng vật lý, thường có màu trắng đục như sữa
- Suncreen: là kem chống nắng hoá học, thường trong suốt không có màu
- Kem chống nắng phổ rộng: là kem chống nắng chứa cả hai hoạt chất chống nắng vật lý và chống nắng hoá học. Kem chống nắng phổ rộng có màu trắng đục như sữa vì có chứa Zinc Oxide và Titanium Dioxide. Hầu hết kem chống nắng trên thị trường là kem chống nắng phổ rộng, có chứa cả hai loại hoạt chất chống nắng vật lý và chống nắng hóa học.

Xem thêm các bài viết trong series kem chống nắng: P2. Những lưu ý khi sử dụng kem chống nắng
Bài viết có tham khảo một số thông tin trên blog Trang Miu và các trang web nước ngoài.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét